Ngày 09
Kinh Sáng Danh và kinh Lạy Cha trong tràng hạt Mân Côi
Trong cả tràng hạt Mân Côi, ta đọc 20 kinh Sáng Danh và 20 kinh Lạy Cha. Ta ôn lại ý nghĩa hai kinh tuyệt diệu đó.
« Sau mỗi chục Kinh Kính Mừng với ý nghĩa trình bày trong ngày mồng tám, chúng ta lại tôn vinh Ba Ngôi cực trọng Thiên Chúa trong kinh Sáng Danh, với ý tán tụng Chúa là Đấng hằng có đời đời, vô thủy vô chung. Đó cũng là Kinh mà chúng ta đọc để suy nghĩ chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong vũ trụ... thay cho những người chối bỏ vì kiêu căng ».
Trong Kinh Lạy Cha, ta khóc với Thánh Nữ Têresa Hài Đồng, ta run lên vì cảm động và sung sướng được gọi Thiên Chúa là Cha.
Thánh Gioan Kim Khẩu chia Kinh này làm 6 phần : 3 lời nguyện và 3 lời xin.
Lời nguyện 1 : Xin « Danh Cha cả sáng ». Người Do Thái quen xưng « Danh » thay người. Danh Cha đây là chính mình Cha được thiên hạ nhận biết, mến yêu, tôn thờ.
Lời nguyện 2 : « Nước Cha trị đến ». Xin cho Hội Thánh lan rộng khắp nơi, người người thờ
Chúa thống trị trong mọi tâm hồn.
Lời nguyện 3 : « Ý Cha thể hiện ». Câu này minh giải câu trên, điều kiện phải có để Chúa thống trị là thừa hành ý Chúa.
Câu « dưới đất cũng như trên Trời », có thể là câu kết cho cả 3 lời nguyện trên.
Điều xin 1 : « Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày ». Ta xin Chúa lương thực phần hồn phần xác.
Điều xin 2 : « Xin Cha tha nợ ». Nợ là tội (Lc 11, 4) một kiểu nói bóng tuyệt hảo. Chúa đã dạy ta tha thứ cho tha nhân như Ngài đã rộng lòng tha thứ cho ta trong dụ ngôn tên đầy tớ ác ôn (Mt. 18, 23-35)
Điều xin 3 : « Xin chớ để ta sa chước cám dỗ ». Thiên Chúa không cám dỗ ai (Yac. 1, 13), Ngài thử thách như đã thử thách Abraham và nhiều thánh nhân. Ta xin Chúa đừng để ta gặp thử thách ác liệt quá sức ta.
Câu xin « cứu ta khỏi sự dữ » hay kẻ dữ dịch đúng tiếng Hy Lạp. Câu này bổ túc câu « chớ để ta sa chước cám dỗ » là sự dữ, khỏi tay « kẻ dữ » là « quỉ cám dỗ ».
« Khi lần hạt với Bernadette ở Lộ Đức - và với mỗi người chúng ta - Mẹ Maria không đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Ngài vừa nghiêng mình mấp máy đôi môi để cùng Ngài thầm thĩ đọc Kinh Sáng Danh mà thôi, là Kính tán tụng Chúa Ba Ngôi vô cùng khả kính, là trường ca của chư vị Thần Thánh và muôn loài thụ tạo. Đó là phần chuỗi chỉ thích hợp với Ngài mà thôi. Ngài không phải đọc Kinh Lạy Cha là tiếng con van nài đến Cha Trên Trời, xin được khỏi đói, xin tha tội vạ và xin khỏi chết phần hồn. Ngài không phải lặp lại chính Ngài Kinh Tấu Lạy Bà của Đặc sứ Gabriel.
Tuy nhiên, Ngài vui nhận Kinh Kính Mừng của nàng mục tử - và của mỗi người chúng ta - và nhã ý chứng minh bằng cách đếm từng hạt trên chuỗi riêng của Ngài ». (Đức Mẹ Lộ Đức của Xuân Lý, trang 21)
Giai thoại
Dệt áo cho Mẹ
Nữ chân phước Gioanna Xicôpenli (Scopelli) sinh năm 1428 ở nước Ý.
Từ hoa xuân, trinh nữ đã muốn đội lúp Dòng Kín. Trong lúc chờ đợi được hân hoan bước vào Nhà Chúa, nàng mặc áo nhặm và nịt mình bằng xiềng sắt. Khi cha mẹ đã mất, nàng muốn lập một Dòng Kín mới vào năm 1485. Mỗi ngày nàng dâng trọn 5 giờ để đọc kinh cầu nguyện.
Khi muốn khấn xin một ơn trên, nàng dệt cho Mẹ một cái áo nàng gọi là áo choàng óng chuốt tơ và mướt dịu chung sa, dệt bằng Kinh nồng cốt Mân Côi, phụ thêm Kinh Lạy Nữ Vương, Kinh Kính Chào Sao Biển và Kính Ớ Bà Chủ Vinh Quang.
Nhờ thánh ý óng chuốt tơ trời và mướt dịu nhung sa thiên thánh, dệt bằng Kinh Mân Côi nòng cốt đó, một nhà dòng mới được thành lập không tốn một xu. Tiền nhà, lương thực nhiều lần từ đâu mang tới phòng ăn nhà dòng, khi không còn một xu dính túi.
Cũng nhờ cẩm bào thiên thánh đó, nhiều người đã ra khỏi bè rối Anbigioa (Albigois), trong đó có một thanh niên lợi hại tên là Augutino.
Cẩm y canh cửi bằng Kinh Kính Mừng của Á Thánh Xicôpenli : nhắc ta nhớ đến một thiếu nữ chăn chiên nghèo hèn, đã lội suối băng ngàn tìm cây nứa với thành nan trơn láng, và hái lá móc phơi khéo trở nên trắng nõn nà, để làm cho Mẹ một áo trong một nguyện đường, mất hút nơi sơn cùng thủy tận. Bầy sơn nữ đó cũng đội lên đầu Mẹ tràng hoa rừng chung kết với hoa Kinh Mân Côi, nên đã được Mẹ hiện ra cùng ca đoàn trinh nữ nâng nàng trên cánh nhạc mê ly khải hoàn về trời.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã phán khi sáng tác lời nguyện này (Kinh Lạy Cha) : « Đây là cách các con phải cầu nguyện ».
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt trong mỗi lời Chúa nói biết bao kho tàng tư tưởng và biết bao ơn giúp chúng con thấu hiểu những tư tưởng đó. Xin Chúa soi sáng tâm trí con và mở rộng tầm mắt con bằng cách nói với trái tim con. Chớ gì lý trí và Đức Tin con cùng cố gắng làm nổi bật lên những lời giảng dạy tuyệt diệu giấu ẩn trong lời nguyện vắn tắt này.
Tiếc thay chúng con đã bao lần lặp lại lời kinh và nó đã thành nhạt nhẽo trên môi miệng chúng con. Khi đọc quá nhanh, những lời Kinh đó không còn ý nghĩa ; và thói quen đáng tiếc đã biến kinh nguyện sống động này thành một công thức vô hồn.
Hồn hỡi, hãy trả lại sự sống cho kinh nguyện đó đi. Hãy ra khỏi sự ơ hờ không thấy gì, không cảm gì đi ! (Kinh Sĩ Lêopolô Beaudenom). |